25 thg 1, 2011

Lạm bàn về người nghèo

Người giàu có thể tốt xấu, người nghèo càng có thể xấu tốt. Một người có thể tốt ngay khi họ sống xa hoa và thích khoe mẽ, hay ngược lại, một người xấu có thể chắt bóp từng gói mì ăn liền. Một người hay nói “hãy vì người nghèo” có thể chưa từng có một hành động cụ thể vì người nghèo.
> Những nỗi khổ của con nhà giàu / Tôi giàu

Đọc bài của bạn Trúc Quỳnh trên VnEspress về “Những người mới tập giàu”, tôi thấy lý lẽ của bạn ấy hoàn toàn chính xác… theo kiểu con trai tôi. Khi tôi mua thêm một chiếc xe hơi, khi tôi đưa cháu đi xem mảnh đất nhỏ ven biển bố mẹ mua làm nhà nghỉ cuối tuần, cháu tỏ vẻ không vui: “Nhà mình có nhà để ở rồi, mẹ mua thêm làm gì, tiền đó để làm từ thiện có tốt không?”.

Các con tôi luôn hướng về những người kém may mắn hơn mình một cách thành tâm, vì ngay từ nhỏ đã cùng bố mẹ đi làm từ thiện, được tận mắt chứng kiến những cảnh đời bất hạnh.

Nhưng chúng quá nhỏ để hiểu nỗi cơ hàn mà ông bà chúng phải vượt qua để nuôi dạy bố mẹ chúng học hành nên người, ở cái thời mà người ta hãnh diện khi giới thiệu mình thuộc thành phần bần cố nông. Bản thân tôi cũng trải qua tuổi thơ nghèo đói, nên giờ đây, với khát vọng làm giàu, điều tôi hướng đến trước tiên là những năm tháng cuối đời cha mẹ sung sướng, là đảm bảo cho các con mình một cuộc sống hạnh phúc.

Trong các ý kiến phản hồi, đồng tình hay phản đối thì đa phần các bạn nói về người giàu. Cá nhân tôi kính phục họ. Bởi trừ số ít những người giàu bất chính, tôi chắc những người giàu đều phải giỏi. Nên tôi xin phép nói về người nghèo với những điều chính mình nhìn thấy.

- Người giàu vì họ giỏi. Còn nghèo vì sao? Do số phận, do hoàn cảnh, do thiên tai. Tận mắt chứng kiến mới tin trên đời có những số phận nghiệp ngã đến vậy. Nhưng cũng có nhiều người nghèo, hoặc đã nghèo thì thêm phần bi đát bởi chính những bất cẩn, vô trách nhiệm của họ với cuộc đời.

- Khi lặng lẽ cùng bạn bè chia nhau chăm sóc các cháu bị bỏ rơi trong bệnh viên, tôi tự hỏi vì sao cũng một kiếp người mà các con lại khổ dường vậy? Vì các con có mặt trên đời bắt đầu bằng sai lầm không thể tha thứ của bậc sinh thành.

- Bạn tôi đã từng bỏ cả buổi tối đi theo một cháu nhỏ ăn xin, can đảm tìm đến nhà cháu tại một xóm liều ven sông. Gặp bà mẹ chỉ ở nhà đánh bạc lẻ bằng tiền bốn đứa con xin ăn hàng ngày. Chẳng chút xấu hổ, bà ta còn hồ hởi nói với bạn tôi: “Con nhỏ này (chỉ đứa bé bạn tôi đi theo) kiếm được nhiều nhất vì nó nhỏ, trông lại xinh”.

- Chúng tôi làm từ thiện mà không qua bất cứ tổ chức nào. Tự nguyện đóng góp, tự nguyện vượt qua nhiều chặng đường xa, xấu với hàng tấn hàng thiết yếu đến với bà con dân tộc thuộc diện 135 (Chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ). Cảm thấy hạnh phúc với những gì mình làm được. Song cũng cảm thấy trăn trở với những gì mình thấy được. Nhiều người sống hồn nhiên với cái nghèo. Hoàn toàn có thể lao động thêm nhưng họ không. Ở họ không có một chút ý chí “thoát nghèo” thôi chứ chưa nói đến “làm giàu”.

- Năm ngoái, tôi cùng bạn bè đến với một trung tâm nhân đạo. Cảm giác đầu tiên của tôi là kính phục người phụ nữ dám bỏ qua hạnh phúc riêng tư, một lòng chăm sóc hơn 20 cháu con đồng đội cũ, phần lớn bị thiểu năng, bệnh tật do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố mẹ. Giúp đỡ về vật chất, về tinh thần, kêu gọi bạn bè khắp nơi chung sức. Nhưng dần dần nhận ra nhiều điều khuất tất. Rất nhiều người giúp, nhưng luôn “chưa hề nhận được sự giúp đỡ của cá nhân tổ chức nào” với bất kỳ ai lần đầu đến tìm hiểu. Có tiền của mọi người ủng hộ rồi nhưng bữa ăn của các cháu nhìn vào mà chóng mặt. Hỏi khéo một chút về sổ sách kế toán ghi lại số tiền ủng hộ và chi tiêu hàng ngày thì nhận câu trả lời không có... Chúng tôi lẳng lặng rút lui, vì nếu tiếp tục, chẳng hay mình có lỗi với con đẻ của mình lắm.

- Các bạn hay bình phẩm về cách một số người giàu tiêu tiền của họ. Nhưng các bạn có biết cách một số người nghèo tiêu tiền của người khác không? Có trường hợp, nghèo, tai nạn thương tâm, báo chí đưa tin, lòng tốt gửi về, trong một ngày có thể nhận được số tiền cả đời họ mơ ước, chưa cần biết tương lai tháng sau, năm sau ra sao, lập tức sắm sanh những đồ xa xỉ không cần thiết.

- Có trường hợp bệnh tật hiểm nghèo mà kinh tế khó khăn, khi chúng tôi nhận giúp đỡ thì họ coi như trách nhiệm đã không thuộc về họ nữa rồi. Bác sĩ dặn gì là gọi điện ngay cho chúng tôi nhắc lại đúng như vậy, bản thân họ chỉ ngồi chờ đợi thụ động. Lại có trường hợp, cố tình giấu hoặc bớt số tiền thực nhận từ các nhà hảo tâm, gọi điện nằn nì xin thêm thứ này, thứ kia.

Còn nhiều lắm, tôi không kể hết. Có bạn đồng hành dừng bước vì thấy buồn. Nhưng cũng nhiều bạn không vì thế mà bớt thương người nghèo.

Đêm cuộn mình trong chăn ấm càng xót cảnh lang thang, để sáng ra lặng lẽ chuyển thêm vào các tài khoản mình đang giúp đỡ, hay dừng lại lâu hơn bên góc đường, góc chợ nơi có người già, người tật nguyền đang chìa tay xin. Nhưng tôi xin cam đoan rất ít người biết được những việc làm đó của tôi. Nếu gặp ngoài đời, bạn có thể thấy vợ chồng tôi đưa con cái đi ăn sáng những tiệm đắt hơn bình thường, thấy tôi vui vẻ đi ăn uống với bạn bè trong những nhà hàng, quán bar sang trọng, thậm chí có thể vi vu lên tận chợ biên giới sắm Tết cho gia đình.

Một điều tâm niệm, hãy sống đúng với lương tâm mình và đừng vội chỉ trích ai. Tôi không đi nhiều như các bạn, nên chưa đặt chân đến đất nước Đan Mạch, nhưng ở tất cả những nước tôi đến, tôi hiểu người giàu cũng có, người nghèo cũng có. Tôi không gặp gỡ nhiều như bạn, nên cũng chưa gặp người bạn nước ngoài nào cười người Việt Nam tiêu tiền, nhưng tất cả những người tôi gặp cho tôi một hiểu biết rằng người giàu có thể tốt xấu, người nghèo càng có thể xấu tốt. Một người có thể tốt ngay khi họ sống xa hoa và thích khoe mẽ, hay ngược lại, một người xấu có thể chắt bóp từng gói mì ăn liền. Một người hay nói “hãy vì người nghèo” có thể chưa từng có một hành động cụ thể vì người nghèo.

Trần Tam Hổ

Source: VNExpress.net

24 thg 1, 2011

Người miền trung! Nỗi lòng xa xứ !

Những ngày này, người Miền Trung dù ở quê lên phố hay từ Trung ra Bắc, từ Trung vào Nam đều hướng về quê nhà yêu dấu. Hơn ai hết họ là những người sinh ra và lớn lên ở vùng thiên tai khắc nghiệt nên họ thấu hiểu được nỗi đau mà người dân quê nhà đang gánh chịu. Trong số triệu triệu người con xa xứ ấy đều mang một tâm trạng giống nhau: lo lắng, thất thần và khuôn mặt vương những nỗi buồn trăn trở…

Là một sinh viên nên tôi được tiếp xúc với hàng trăm Sinh viên Miền Trung từ các vùng quê khác nhau: từ Thanh Hóa đến Bình Thuận,từ vùng xuôi lên vùng ngược,từ miền núi về miền đồng bằng đang học tập tại tại Thành phố Hồ Chí Minh họ đều mang trong lòng trĩu nặng nỗi đau khi quê nhà đang chìm trong nước lũ,và ảnh hưởng của những đợt lạnh như cắt da cắt thịt. Trong số họ có người đã mất đi người thân vì lũ cuốn trôi, có những người nhà cửa, hoa màu đã bị thủy thần nhấn chìm… Và không ít bạn cả tháng nay phải ăn mì gói vì bố mẹ không gửi tiền vào kịp…

Có nỗi đau nào lớn hơn khi chính họ-những người con sinh ra trên mảnh đất Miền Trung này lại phải khuyên góp tiền bạc, áo quần, sách vở… để gửi về cho quê hương mình, nơi những em thơ đang gồng mình băng qua cánh đồng trắng nước để đến trường với những tập vở ướt mèm, nơi bố mẹ họ đang phải vượt qua cơn đói bằng những gói mì tôm, những nắm cơm tình nghĩa…

“Lá lành đùm lá rách.” ; “Lá rách ít đùm lá rách nhiều.”… Những câu tục ngữ ấy giờ đây đang được người dân Việt Nam hưởng ứng rất nhiệt thành và trên thực tế đã có hàng chục tỉ đồng, hàng trăm tấn hàng hóa, đồ dùng của người dân cả nước khuyên góp gửi về Miền Trung ruột thịt. Nghĩa cử ấy thật cao đẹp biết nhường nào. Phải chăng hạnh phúc chính là khi người hoạn nạn được đón nhận những sẻ chia của những người may mắn hơn mình hay người may mắn hơn được giúp những người hoạn nạn vì trong họ đều thấy ấm lòng.

Những người con Miền Trung xa xứ như chúng tôi chân thành cảm ơn sự sẻ chia kịp thời của đồng bào cả nước. Hãy cố gắng lên Miền Trung kiên cường và gan dạ, hãy cố gắng lên những bạn Sinh viên Miền Trung xa xứ, hãy tu luyện thành tài để giúp đất nước mình giảm thiểu bớt thiên tai.

Bên cạnh chúng ta còn có Hà Nội, Sài Gòn, Miền Tây, Miền Bắc… và cả Cộng đồng thế giới nữa. Đừng bao giờ buông xuôi vì tiền nhân đã dặn “Còn da lông mọc,Còn chồi nảy cây”.


(http://vn.360plus.yahoo.com/anhart007-pro/article?mid=105)

19 thg 1, 2011

tặng người ra đi

Em đi anh nhớ ngôi nhà
Nhớ cô con gái ngồi chờ đợi anh
Những lời thề ước cùng anh
Xin ghi nhớ mãi bên anh trọn đời.

Bây chừ xa cách đôi nơi,
Em ơi còn nhớ?những lời yêu thương?
Nơi xa thổn thức những khi
Gợi lên kỉ niệm khắc ghi thuở nào!

5 thg 1, 2011

Xuân về, nhớ Quê hương.


Đêm nằm nghe vọng về tiếng nhái kêu

Tiếng giun dế từ Nương Hoang, Cồn Súng

Khóm tre già cuối Đồi Làng trước ngõ

Cống Xã Tắc lập lòe đèn ai đó đi soi?


Nhớ làm sao những đêm hè trăng sáng

Trẽ con chơi, nghịch rộn rã tiếng cười đùa.

Mùi lúa mới thơm khắp đường thôn xóm.

Rơm rạ đầy đồng, thóc lúa đầy sân.


Thương những buổi trời đông giá rét

Mẹ, chị ngâm mình nơi Bàu Chúa, Đèo Pheo

Cấy lúa, deo cây cho đời thêm no ấm

Tay chị gầy, tóc mẹ bạc vì gió sương.


Chú, Bác, O, Dì quanh năm lo ruộng vườn tần tảo

Tết đến, Xuân về tất tã bánh, trái, nếp, hạt dưa...

Bạn bè, anh em, người trong Nam, ngoài Bắc.

Đoàn tụ bên nhau vui chén rượu, ly trà.


Vui biết mấy, chiều ba mươi Tết

Cúng Tất Niên, mừng sum họp gia đình

Cùng đưa tiễn những buồn vui năm củ

Uống cạn ly, chờ năm mới sắp sang.


Từ Xóm Ngoài rẽ về Xóm Rôộc

Qua Xóm Cát đến tận cuối Cầu Vồng

Năm mới chúc phát lộc, thành công

Đến mọi nhà quê tôi, thôn Nại Cửu.


Hanoi, 05.01.2011, L.D.H