19 thg 1, 2012

Tết nhỏ quê nghèo

Cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông đi qua thì cũng là lúc hương vị Tết tràn về theo từng ngày, trên từng góc xóm và cả trong hơi thở của từng người. Tết là dấu mốc kết thúc một năm cũ qua đi, đón chào một năm mới, một niềm vui mới và một sự hi vọng mới. Riêng tôi, Tết còn là chuyến tàu chở kỉ niệm tuổi thơ, tuy nhỏ bé nhưng tôi trân trọng nó, yêu quý nó như yêu một góc tâm hồn mình.
Ngày đó, Tết về với lũ trẻ chúng tôi cũng rộn ràng lắm, đứa nào cũng háo hức nôn nao giống như kiểu người xa cách người yêu lâu ngày gặp lại (cái này bây giờ tôi mới biết), mặc dù tôi dám chắc cả tôi và bọn nó đều không biết Tết là gì. Tết với chúng tôi là những ngày xúng xính trong những bộ quần áo mới, là những lúc duy nhất trong năm được ăn bánh kẹo thỏa thích, và không gì sướng bằng nhận những bao lì xì. Ngày ấy, nghe ba mẹ nói về giao thừa tôi cũng chẳng buồn quan tâm,. Ngày hai tám, hai chín Tết là lúc bà và mẹ chuẩn bị bánh trái, ba dọn dẹp nhà cửa, còn trong căn phòng nhỏ, anh em tôi thì cứ thử ra thử vào bộ quần áo mẹ mới may chỉ vì sợ…..sợ đợi đến hai hôm nữa chúng nó sẽ nhỏ đi, không mặc vừa nữa. Không hiểu hồi đó tôi học hành cũng đâu đến nỗi nào mà lại ngốc thế không biết. Trẻ con thật. Trong cả một xóm, chỉ có mình ba tôi làm nghề dạy học, còn lại mọi người đều gắn với nghề nông lam lũ, chân lấm tay bùn. Lũ nhóc bằng chúng tôi thì suốt ngày ở ngoài đồng, tụi nó chăn trâu, bắt cá…toàn làm những chuyện mà anh em tôi “thèm”, còn anh em tôi thì phải học. Nhưng Tết thì khác, Tết là lúc mà anh em tôi hay gọi đùa là được ba mẹ “ân xá” chúng tôi không phải học mà chạy theo chúng nó, xem chúng nó làm những cái đuốc tre tẩm dầu để đốt trong những đêm tết, tiếng nổ to và vang xa lắm.
Tôi vẫn nhớ tôi đã hỏi anh tôi “sao mình không dùng pháo hoa hả anh?” Anh cười " lớn lên em sẽ hiểu”. Nhưng thật ra, tôi cũng chẳng biết pháo hoa là cái gì sất, nó là những đường toa lên nhiều màu rực rỡ trong sách tập đọc.Thế thôi. Và cái ngày mong ước nhất cũng đến, tôi nhận được những đồng tiền lì xì từ bà nội và ba mẹ. Ít lắm, nhưng lúc đó đối với tôi là cả một gia tài, và trong khoảnh khắc ấy, những hộp sáp màu và cây chì mới lại hiện ra trước mắt, trông thật là thích. Và cả lũ lại tập hợp lại trong đêm mồng một tết, đốt đuốc, tiếng nổ vang ra tận bờ sông, đáng lẽ ngày thường là chúng tôi bị no đòn hoặc ít nhất cũng bị chửi xối xả từ những người nào đó, nhưng hôm nay thì khác, là tết mà, ai nỡ làm như vậy. Rồi chúng tôi chìm vào giấc ngủ, mùi dầu lửa, mùi khét của chiếc đuốc vẫn còn nguyên vẹn.
Tết ở miền quê nghèo không cầu kì, phô trương, tết là những chiếc bánh chưng gói bằng lá chuối, là chút mắm kiệu, vài món làm từ thịt heo và hơn xíu nữa là ly rượu gạo, nó đơn giản, thuần khiết cũng giống như con người nơi đây vậy. Giờ đây, tết quê nghèo không còn nữa, lũ trẻ bận bịu với những mốt thời trang, những đêm chợ hoa nhộn nhịp, những cây pháo nhỏ lấp lánh nhiều màu, và cả những trận bầu tôm đầy thích mắt. Tuổi thơ của tôi cũng dần xa, anh hai vào Đại học, học dược nên nhiều khi Tết cũng không về, lũ trẻ chăn trâu cũng lên thành phố tìm việc làm, tôi thì vẫn học, dù đã mười bảy tuồi đầu, không lớn những cũng không quá nhỏ nữa, nhưng mỗi lần nghe cơn gió xuân hây hẩy thổi về, tôi lại mong Tết đến, chờ tết như chờ một miền kí ức xa xăm của riêng mình...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét