29 thg 11, 2010

Nại Cửu: Một làng nghề đặc biệt

Cả nhà thầy Hoàng Danh có 12 người thì 11 người làm nghề dạy học. Con cháu nội ngoại hai anh emruột của thầy có hơn 30 người là giáo viên. Thầy Hoàng Danh cho biết 100% gia đình họ Hoàng ở Nại Cửu đều có người làm giáo viên, đang dạy học tại nhiều địa phương trong cả nước

Làng Nại Cửu có gần 2.500người nhưng trong đó đã có hơn 400 giáo viên, hưa kể hàng chục giáo sư, tiến sĩ đang công tác ở các trường đại học, các viện nghiên cứu, chưa kể những giáo viên đã nghỉ hưu và hàng trăm sinh viên đang theo học các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm khắp cả nước. Nhiều gia đình ở làng Nại Cửu phải cầm cố, thế chấp nhà cửa cho ngân hàng để có tiền cho con ăn học. Thế nhưng, họ vẫn không từ bỏ mộng nuôi con thành những ông giáo, bà giáo. Nhiều người gọi Nại Cửu là "làng dạy học!".

1,5 gia đình có 1 giáo viên.- Từ thị xã Thành Cổ Quảng Trị, tôi đi theo Tỉnh lộ 64 khoảng chừng 3 km thì về đến làng Nại Cửu. Công dân đầu tiên của làng tôi được gặp là một ông lão có bộ râu trắng xóa, trông rất đẹp. Lân la trò chuyện mới biết ông là một giáo viên nay đã nghỉ hưu. Tôi đem hỏi chuyện về sự nghiệp dạy học của làng, thầy kể rằng: Làng Nại Cửu (thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) có truyền thống làm thầy đã hơn 300 năm nay. Người khởi nghiệp làm nghề dạy học đầu tiên của làng là ông Trần Gia Thụy - đỗ tiến sĩ, đã từng làm thầy dạy học và giữ đến chức Thượng thư Bộ Lễ ở thời Hậu Lê. Kể từ đó, con cháu họ Trần và dân làng Nại Cửu nối nghiệp tổ tông làm thầy thiên hạ, năm nào trong làng cũng có nhiều người vào các trường sư phạm.

Theo hướng dẫn của ông giáo già, tôi tìm đến nhà của anh Hoàng Văn Hanh, trưởng làng Nại Cửu. Anh tự hào: Nếu gọi tên như các làng nghề truyền thống khác thì Nại Cửu được gọi là làng nghề dạy học. Bình quân 1,5 gia đình có một giáo viên. Toàn bộ cả làng có 600 hộ chia làm 7 đội, đời sống người dân chủ yếu dựa vào cây lúa nước, rau màu. Nhưng mỗi lao động của làng chỉ có chưa đầy 500 m2 đất ruộng, nên để "thoát ly" cuộc đời chân lấm tay bùn mà đói nghèo vẫn bám riết thì không còn con đường nào khác là phải tiếp tục học hành.

Tốt nghiệp THPT, mỗi học sinh tự chọn cho mình một vài trường đại học để thi vào. Đối với học sinh Nại Cửu, trường học đầu tiên họ chọn không ngoài đại học sư phạm. Nhiều người đã tốt nghiệp, ra trường đi dạy học, lý giải: Nghề giáo viên rất thanh bạch, là gia phong nề nếp truyền thống lâu đời của làng. Vì thế, con em của làng mỗi khi được đi dạy học, họ xem đó như một phần thưởng xứng đáng mà cả đời người phấn đấu mới đạt được. Không tham giàu sang, phú quý, muốn sống bằng một cuộc đời thanh thản tâm hồn, đó là tính cách của đa phần người Nại Cửu.

Đi theo con đường nhỏ thật sạch sẽ, tôi đến một xóm nhỏ của làng và thật ngạc nhiên về sự "phân bổ dày đặc" các gia đình giáo viên ở đây. Đó là xóm của anh trưởng làng, toàn bộ xóm có 36 hộ thì có đến 34 hộ có giáo viên, gần 10 gia đình có từ 3 đến 7 người theo nghiệp dạy học. Anh Lê Quang Tuấn, một nông dân, không giấu cái khó, khổ của mình: "Ngôi nhà tôi đang ở cũng xem như đã bán rồi. Bởi vì số tiền tôi vay của ngân hàng để nuôi một đứa con đang học đại học ở Đà Nẵng còn cao hơn giá trị của ngôi nhà này". Kinh tế khó khăn đến vậy nhưng anh vẫn mơ ước một vài năm nữa con mình sẽ trở thành giáo viên. Theo anh Tuấn, có đi cày, làm thuê ngoài đồng nhưng nhìn con được ôm cặp đi dạy học thì anh vẫn thấy trong ngôi nhà rách nát của mình hạnh phúc tràn đầy.

Cả nhà dạy học.- Đến ngày làng có lễ hội, các trưởng tộc ở Nại Cửu ngồi lại với nhau thi thố văn chương, đếm xem con cháu họ nào được đi dạy học đông nhất, họ tộc đứng đầu chuyện dạy học được xem như niềm tự hào. Cả làng có nhiều họ tộc, nhưng mấy năm qua con cháu của họ Hoàng và họ Trần ở làng Nại Cửu luôn đi đầu trong các cuộc thi này.

Tôi đến thăm nhà thầy giáo Hoàng Danh, năm nay thầy đã ngoài bảy mươi tuổi. Vẫn phong thái ung dung, thanh thản như ngày nào, thầy rót trà mời khách. Đời nhà giáo của thầy an nhàn từ ngày cầm viên phấn trắng đầu tiên cho đến khi nghỉ hưu. Những ngày cuối đời, thầy nuôi chim, chơi cây cảnh, uống trà ướp hoa lài để làm vui. Ngôi nhà gỗ mà thầy cùng người vợ đang sinh sống nằm trong một khu vườn xinh xắn, được trồng nhiều loại cây cảnh quý hiếm như mai, đào, vạn tuế... gần trăm tuổi, gốc rễ sần sùi dấu tích thời gian. Nhiều người gọi thầy Hoàng Danh là cây đại thụ trong nghề giáo của làng Nại Cửu. Gia đình thầy có tiếng tăm nức làng vì con cháu học giỏi và chỉ đi theo một nghề dạy học. Trong 5 người con của thầy thì ba người con trai Hoàng Tương, Hoàng Cảnh, Hoàng Toàn đều tốt nghiệp đại học sư phạm, là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 3 cô con dâu cũng theo nghiệp phấn trắng - bảng đen. Hai cô con gái Hoàng Thị Thi và Hoàng Thị Thủy cũng theo nghề sư phạm. Như vậy, cả nhà thầy Hoàng Danh có 12 người thì 11 người làm nghề dạy học. Con cháu nội ngoại hai anh em ruột của thầy có hơn 30 người là giáo viên. Thầy Hoàng Danh cho biết 100% gia đình họ Hoàng ở Nại Cửu đều có người làm giáo viên, đang dạy học tại nhiều địa phương trong cả nước.

Một giáo viên kỳ cựu của làng Nại Cửu có thâm niên dạy học trước năm 1960, đó là thầy Trần Ước. Nhà thầy Ước có 5 người con thì tất cả đều tốt nghiệp đại học sư phạm và cả 5 người con dâu cũng là giáo viên. Thầy Trần Ước nói rằng, làm giáo viên không giàu nhưng tôi rất thích. Thực ra, khi những đứa con bắt đầu vào ngưỡng cửa đại học, trong suy nghĩ của chúng tôi cũng có đấu tranh giằng xé lắm chứ, có nên cho con tiếp tục theo nghề dạy học như mình nữa không. Cho con thi vào các trường khác sau này đi làm sẽ có thu nhập cao hơn, có điều kiện để trở thành ông này bà nọ, có địa vị xã hội... Nhưng cuối cùng cái thanh bạch của nghề giáo đã chiến thắng. Con cháu tôi lần lượt thi vào các trường đại học sư phạm. Cho đến bây giờ, tôi nghĩ mình không sai khi hướng nghiệp cho các con vào nghề dạy học.

Hoa tươi ngập đường làng .- Trước đây, những năm tháng khó khăn, trường học - chỗ ở của giáo viên thiếu thốn, tạm bợ, hợp tác xã (lúc trước đơn vị làng ở đây được gọi là hợp tác xã) Nại Cửu đã nhiều lần nhường trụ sở làm việc cho con em học hành, thầy cô ở tạm. Khó khăn gian khổ như vậy nhưng các thầy cô giáo vẫn âm thầm, say mê dạy học. Họ dạy học như là sống, không bao giờ nản chí. Để động viên con cháu học hành, vượt qua khó khăn trước mắt, làng Nại Cửu đã lập quỹ khuyến học. Theo quy ước, mỗi học sinh trong làng thi đoạt giải cấp tỉnh, quốc gia hoặc đỗ đại học thì được làng thưởng 100.000 đồng. Giáo viên trực tiếp dạy học sinh có giải cũng được thưởng từng ấy tiền. Số tiền tuy ít ỏi nhưng vô cùng ý nghĩa, có tác dụng động viên rất lớn đối với các em học sinh và thầy cô giáo của làng trên con đường thực hiện được ước mơ của mình.

Bây giờ, đời sống có khá hơn, các giáo viên của làng Nại Cửu đã có nhà cửa để sinh sống đàng hoàng. Đi vào "làng dạy học" thấy khuôn phép, nề nếp của làng khác hẳn nhiều nơi. Nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Hàng rào xung quanh mỗi ngôi nhà được trồng bằng cây chè tàu, cành lá cắt tỉa thẳng tắp. Đặc biệt, mỗi năm đến dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, làng Nại Cửu như một ngày hội lớn. Hoa tươi ngập đường làng. Nhiều gia đình, từ ông bà đến con cái, cháu chắt đều là giáo viên. Nhìn cảnh con cháu tặng hoa cho ông bà - những người đồng nghiệp đáng kính - ai thấy cũng vô cùng cảm động và kính phục trước truyền thống tôn sư trọng đạo của làng Nại Cửu.

BÀI VÀ ẢNH: Linh An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét